Tại Diễn đàn, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã trình bày một số thành tựu khai thác hải sản xa bờ và những vấn đề đặt ra trong tình hình hiện nay. Theo đó, Việt Nam đang có 30.500 tàu đánh bắt xa bờ (trong tổng số 96.600 tàu đánh bắt), đạt sản lượng 3,6 triệu tấn, mang lại giá trị xuất khẩu 2,5 tỷ USD. Hiện nghề khai thác xa bờ của Việt Nam đang tồn tại những vấn đề như: khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ phát triển tự phát, chưa được kiểm soát, thiếu bền vững. Năng suất, hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, tổn thất sau thu hoạch và thất thoát về giá trị và nguồn lợi còn cao. Bên cạnh đó, đội tàu khai thác nhỏ, lạc hậu, trình độ sản xuất thấp, công tác quản lý thị trường còn nhiều bất cập, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ép giá trong thu mua, tiêu thụ, kinh doanh sản phẩm thường xuyên xảy ra…
Từ thực trạng đó đặt ra vấn đề phải đóng mới và nâng cấp, cải hoán tàu cá, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển cơ sở dịch vụ nghề cá, nghiên cứu nguồn lợi dự báo môi trường. Phát triển hoạt động khai thác theo hình thức tổ đội, tàu dịch vụ, chợ, sàn đấu giá hải sản. Bên cạnh đó, cam kết thực hành nghề cá có trách nhiệm và bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường về các nhãn sinh thái, thực hiện truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển, tham gia thực hiện công ước quốc tế về biển, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết cho ngư dân về các quy định quốc tế về biển trong hoạt động khai thác trên biển…
Nói về vai trò của Nghiệp đoàn nghề cá trong hoạt động khai thác thủy sản xa bờ, ông Trần Văn Quý, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam cho biết: Việc thành lập các Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở tại 16 tỉnh, thành phố ven biển và Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã làm cho ngư dân không còn đơn độc khi ra khơi bám biển vì đã có tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi cho họ. Đây là chỗ dựa của các đoàn viên nghiệp đoàn khi ra khơi, bám biển, khai thác hải sản xa bờ, tại những vùng biển tiềm ẩn nhiều rủi ro, thường xuyên xảy ra tranh chấp về ngư trường với các quốc gia láng giềng. Nghiệp đoàn Nghề cá cũng giúp nâng cao nhận thức của ngư dân và chủ tàu đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật, các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản. Đồng thời đi sâu nắm bắt tâm tư đoàn viên để xây dựng phương thức hoạt động hiệu quả, vận động các tàu thuyền đánh bắt xa bờ đoàn kết, giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Mặc dù Nghiệp đoàn nghề cá có vai trò quan trọng nhưng đến nay, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương còn khác nhau về nghề cá nên ảnh hưởng đến sự quan tâm, chỉ đạo của Nghiệp đoàn Nghề cá đối với đoàn viên. Trình độ nhận thức của ngư dân chưa cao nên việc tuyên truyền và hướng dẫn hoạt động của Nghiệp đoàn Nghề cá còn gặp nhiều khó khăn…
Vì thế, trong thời gian tới, Nghiệp đoàn Nghề cá tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền chủ quyền biển đảo quốc gia, đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tuyên truyền vận động, giáo dục đoàn viên các Nghiệp đoàn Nghề cá nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, quy định của ngành về khai thác thủy hải sản xa bờ và bảo vệ nguồn lợi hải sản, tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh hải quốc gia. Kịp thời phát hiện những bất cập nảy sinh liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên để kiến nghị với các cơ quan, ban ngành có liên quan xem xét giải quyết, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ kinh phí của nhà nước đối với các tàu cá khai thác thủy hải sản xa bờ, hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn, trang bị các phương tiện thông tin liên lạc, trang thiết bị an toàn đi biển, các thiết bị thăm dò luồng cá hiện đại cho các tàu cá. Tham gia quan hệ với các tổ chức quốc tế về nghề cá để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ về kinh nghiệm hoạt động, bảo vệ quyền lợi của ngư dân trên biển, thiết lập mối quan hệ tin cậy đối với đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá.
Thu Hiền